Số tiền có sẵn ít nhất là 20% giá trị căn nhà. Trong vài năm đầu mua nhà cần chấp nhận sống “khắc khổ” tối đa. Nếu chưa cân đối được tài chính có thể cho thuê nhà một thời gian.
Khó quá thì mua nhà xong… cho thuê
Từ kinh nghiệm mua nhà của mình, ông Ngô Quang Phúc – Phó TGĐ Himlam Land chia sẻ, người trẻ nên thay đổi suy nghĩ mua một căn hộ rồi ta sẽ ở đó mãi mãi.
“Theo thời gian tuổi đời, nhu cầu và tài chính của các bạn nâng dần lên. Vì vậy khi mới khởi đầu các bạn nên chọn mua căn hộ phù hợp, thuận tiện giao thông có mức giá từ 1 – 1,5 tỷ đồng với đầy đủ những tiện ích thiết yếu đi kèm”, ông Phúc cho hay.
Theo TS.Đinh Thế Hiển, tại TP.HCM nhu cầu mua nhà cho người trẻ là rất lớn và đa dạng. Theo thống kê, dân số Việt Nam có độ tuổi từ 25 – 45 chiếm trên 32%, trong đó có hơn 1 nửa có độ tuổi từ 25 – 35. Mỗi năm ghi nhận có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu về nhà ở.
Để các gia đình trẻ sở hữu được nhà, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng tổng thu nhập vợ chồng phải từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, trong đó có 1 người làm công việc ổn định. Số tiền có sẵn ít nhất là 20% giá trị căn nhà và ưu tiên khi lựa chọn nhà ở là phải dựa vào thu nhập, sau đó mới đến phục vụ cho công việc và tiếp đó mới đến nhu cầu sử dụng.
“Trong vài năm đầu mua nhà cần chấp nhận sống “khắc khổ” tối đa. Nếu chọn được căn hộ ưng ý nhưng chưa cân đối được tài chính có thể cho thuê một thời gian”, TS.Đinh Thế Hiển đưa ra lời khuyên để các gia đình trẻ đảm bảo tài chính trả nợ.
Đại diện các doanh nghiệp BĐS tại hội thảo bàn về người trẻ mua nhà đều có chung ý kiến rằng khi người trẻ mua nhà nên có bước tính toán tài chính thật hợp lý, không nên để khoản nợ mua nhà gây áp lực lên cuộc sống. Tiếp đến là lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình.
Theo vị Phó TGĐ Himlam Land, trước đây 3 nguyên tắc vàng trong BĐS là vị trí, vị trí và vị trí. Tuy nhiên hiện nay quan niệm này đã không còn phù hợp mà chính uy tín của chủ đầu tư mới là ưu tiên hàng đầu. Bởi ý chí và thực thi các cam kết của chủ đầu tư sẽ làm gia tăng giá trị dự án. Điều này lý giải vì sao có nhiều dự án vị trí cách xa trung tâm Thành phố nhưng có giá cao hơn các dự án gần hơn.
Phải cân đối tài chính
Bùi Quang Tín – Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, phương thức trả góp theo dư nợ giảm dần các ngân hàng hiện nay đang áp dụng được cho là phù hợp với người có nhu cầu mua nhà. Nhiều ngân hàng có đa dạng hình thức hỗ trợ cho khách hàng trẻ tuổi mua nhà, tuy nhiên hỗ trợ đến đâu và có giúp người mua nhà giảm được rủi ro khi trả nợ hay không là vấn đề nhiều người quan tâm?
Như việc ngân hàng có liên kết với chủ đầu tư dự án BĐS có thể cho vay lên đến 70% – 80% giá trị nhà. Nhưng dưới góc độ người mua nhà để ở, TS. Tín khuyên người mua nên có tích luỹ khoảng 50%. Ví dụ căn hộ trị giá 800 triệu đồng thì người mua cần phải chuẩn bị 400 triệu đồng tiền sẵn có.
Các chuyên gia ngành BĐS đã đưa ra nhiều lời khuyên cho người trẻ muốn sở hữu nhà.
Ngoài ra, các ngân hàng có nhiều chính sách như nhận thế chấp căn hộ của khách hàng, đa dạng gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay… Theo TS. Bùi Quang Tín, người trẻ mua nhà lần đầu cần để ý đến những lời chào mời cho vay, bởi nếu không hiểu rõ rất dễ rơi vào cảnh vỡ nợ về sau.
Ví dụ kiểu lãi suất cho vay được ngân hàng “hỗ trợ”. Thường lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong khoản thời gian nhất định (không quá 3 năm). Hết thời gian ưu đãi, nếu không có kế hoạch trả lãi tăng cao hoặc thu nhập người vay giảm sút thì khó đảm bảo.
Bùi Quang Tín còn khuyến cáo người mua nhà khi đi vay ngân hàng cần chú trọng đến chi tiết nội dung hợp đồng, tránh nghe vào lời “ngon ngọt” của nhân viên tư vấn. Khách hàng cũng nên tham khảo ý kiến của luật sư về các điều khoản trong hợp đồng.