Thông tin thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030 đang được nhiều người dân quan tâm những ngày gần đây, nhất là đối với những ai đang tìm kiếm một nơi ở mới cải thiện chất lượng sống…
“Chôn” chân trong những giờ cao điểm
Hà Nội mở rộng phát triển về phía Tây đã tạo ra những bước đột phá thay đổi diện mạo đô thị từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo duc… và hơn cả là đáp ứng một cuộc sống hiện đại cho người dân cả về chất lẫn lượng.
Các trục đường huyết mạch mở rộng về phía Tây đó là đường Nguyễn Trãi – Hà Đông; Đại lộ Thăng Long; Lê Văn Lương – Tố Hữu; Quốc lộ 32. Trong đó, trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu có thể coi là nơi có số dự án nhà ở phát triển sôi động nhất. Bắt đầu từ chân cầu vượt Láng Hạ xuôi về phía Tây, các dự án đua nhau mọc lên.
Lý giải cho điều này, không ít chuyên gia cho rằng, quá trình mở rộng về phía Tây và mở tuyến đường mới này đã tạo ra nhiều quỹ đất sạch, giúp việc phát triển dự án mới thuận lợi. Nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước đã hội tụ, tạo nên một trung tâm đô thị hiện đại và phát triển năng động nhất nhì Thủ đô. Tầm nhìn quy hoạch của những nhà đầu tư chiến lược cũng đã giúp họ sở hữu được nhiều đất tại đây và khi thị trường có nhu cầu cũng như có những dấu hiệu tích cực thì chủ đầu tư bắt đầu xây dựng.
Kết quả là hàng loạt các dự án liên tục được xây mới và hoàn thành trong thời gian qua bên cạnh những tín hiệu tốt từ thị trường đã nảy sinh những vấn đề bất cập, mà trong đó nóng nhất chính là tình trạng tắc nghẽn giao thông, đặc biệt vào những giờ cao điểm hoặc khi trời mưa, rét… Chuyện tắc đường như cơm bữa, thường xuyên xảy ra đã khiến những người hàng ngày phải “chôn” chân vào những khung giờ nóng đều không khỏi ngán ngẩm, dù bất kể là sử dụng phương tiện cá nhân nào, ô tô, xe máy hay xe đạp…
Phương tiện công cộng – có là giải pháp tốt?
Tuần vừa qua, Hà Nội khẳng định sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Thông tin này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của dư luận khi mà phần lớn phương tiện cá nhân của người tham gia giao thông ở thủ đô là xe máy. Không những vậy, cả những người đi ô tô cũng tỏ ra lo ngại sợ lượng ô tô cá nhân sẽ tăng mạnh từ những người có điều kiện nhất định để thay thế xe máy. Và như vậy thì Hà Nội chẳng còn đường mà đi…!
Chính vì vậy, việc nhiều người bắt đầu quan tâm đến sự phát triển của phương tiện công cộng ở Thủ đô có thể hiểu được. Như kể từ khi xe buýt nhanh BRT chính thức đi vào hoạt động tuyến bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã dài gần 15km đã làm thay đổi suy nghĩ một bộ phận dân cư. Với sự hài lòng về chất lượng cùng với chi phí hợp lý và đặc biệt là không tắc đường, nhiều người đã và đang chuyển từ đi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, cũng có ý kiến cho rằng, sẽ là không công bằng nếu xe buýt nhanh BRT “một mình một đường” trong khi các phương tiện công cộng khác như xe buýt thường lại phải đi chung làn đường với các phương tiện cá nhân vốn đã chật hẹp. Đây là vấn đề rất cần được các cấp quản lý vào cuộc xem xét nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người dân tham gia các phương tiện công cộng.
Tới đây, tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh, Hà Đông dự kiến đi vào hoạt động được dự báo sẽ giảm áp lực giao thông đáng kể trên trục đường Nguyễn Trãi – Hà Đồng, cũng như hạn chế hiện tượng các phương tiện đổ dồn sang tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. Và không lâu sau đó, tuyến đường sắt đô thị đang được khẩn trương xây dựng ở quốc lộ 32 hoàn thành. Tất cả mang đến cho giao thông công cộng của Hà Nội một diện mạo mới văn minh, hiện đại.
Và chắc chắn rằng, khi phương tiện công cộng phát triển thì việc dừng xe máy cá nhân lưu thông trên đường phố Thủ đô không còn là vấn đề lo ngại đối với người dân.