Dù thị trường BĐS cả nước chưa đón nhận một căn hộ giá rẻ khoảng tù 700 triệu đồng/căn từ thương hiệu Vincity của Vingroup, song theo nhận định của các chuyên gia, chiến lược của doanh nghiệp này đang tạo sóng dẫn dắt cả thị trường trong quý cuối của năm 2016.
CBRE Việt Nam cho biết, phân khúc căn hộ bình dân đã có sự tăng trưởng về tỷ trọng trong nguồn cung các năm qua. Nhưng thị trường vẫn còn khả năng tăng trưởng hơn nữa do mức giá đáp ứng được khả năng chi trả của một bộ phận lớn nguồn cầu của thị trường.
Theo nhận định của CBRE, việc giá đất ngày càng tăng cao sẽ khiến các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) khó khăn hơn trong việc chọn lựa phân khúc nào để phát triển sản phẩm. Trong rất nhiều trường hợp, các chủ đầu tư bắt buộc phải chào bán sản phẩm với giá cao để đảm bảo đạt lợi nhuận kỳ vọng do chi phí đầu vào (chi phí đất, giá thành xây dựng, chi phí mềm) cao.
Trong năm 2017, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ tạo sóng do nhu cầu thực cao
Tỷ lệ hấp thụ trên phân khúc cao cấp từ năm 2015 đến nay cao (do người mua thấy triển vọng tỷ suất lợi nhuận cao từ việc thuê nhà) đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này.
Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Bộ phận Đầu tư của CBRE Việt Nam, cho hay, sau một thời gian, thị trường và các chủ đầu tư sẽ tự điều chỉnh để trở về mức cân bằng hợp lý cho thị trường. Trong năm 2017, phân khúc nhà ở giá rẻ tuy nguồn cung không ồ ạt như nhà ở cao cấp, nhưng sẽ tạo sóng do nhu cầu thực cao.
Còn ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Đầu tư và kinh doanh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) đánh giá, trong thời gian tới, thị trường nhà ở vẫn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và bền vững, lượng giao dịch sẽ biến động tùy vào thời điểm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thị phần nhà giá rẻ sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, đưa ra dẫn chứng cho thấy trong 1,74 triệu người khó khăn về nhà ở hiện nay thì có 40% hộ gia đình ở đô thị có mức thu nhập dưới 8,8 triệu đồng/tháng và 60% có mức thu nhập dưới 11,9 triệu đồng/tháng. Như vậy, nhu cầu nhà giá rẻ sẽ còn tăng cao cho đến 2020.
“Cuộc cạnh tranh phân khúc này sẽ ngày càng khốc liệt khi nhiều nhà đầu tư có tiếng bắt đầu vào cuộc, lệch pha cung – cầu nhà ở sẽ được cải thiện” ông Châu nhấn mạnh.
Hiện tại, đã có nhiều tập đoàn lớn công bố kế hoạch đầu tư vào phân khúc giá rẻ. Điển hình như Vingroup với chiến lược xây dựng 300.000 căn hộ, có mức giá từ 700 triệu đồng/căn vào các năm tới. Tập đoàn Mường Thanh cũng công bố tung ra thị trường 3.000 căn hộ có giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2, các căn hộ có diện tích nhỏ từ 50-60m2.
Tại Tp.HCM, Him Lam cũng đang lên kế hoạch xây dựng 2000 căn hộ vừa túi tiền trong những năm tới. Một số doanh nghiệp BĐS khác cũng nhắm tới phân khúc này như: Dream Home, Hưng Thịnh cùng đối tác Nhật Bản là The Global Group triển khai, Kiến Á…
Trong buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây, đại diện công ty Nam Long (NLG) tiết lộ, trong 5 năm tới, NLG vẫn tập trung chủ lực vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Theo dự kiến, với sự hợp tác của một số đối tác Nhật Bản, doanh nghiệp này sẽ tung ra thị trường hơn 10.000 căn.
Thị trường tiếp tục thêm một bất ngờ, khi tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 12/12, ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Coteccons – tuyên bố sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà ở giá rẻ.
Ông Dương cho biết: “Phân khúc nào cũng có khách hàng của phân khúc ấy. Làm nhà ở giá rẻ không khó, bởi nếu với giá tiền khoảng từ 700 triệu đồng/căn như cách làm của Vingroup thì chúng tôi sẽ nghiên cứu xây nhà chừng 40m2 là có thể bán tốt trên thị trường”.
Đánh giá về cục diện thị trường nhà ở trong thời gian tới, Tổng Giám đốc công ty Việt An Hoà Trần Khánh Quang cho biết, thị trường cuối năm 2016 vẫn đang giao dịch tốt với căn hộ dưới 2 tỷ đồng. Nhưng đang có dấu hiệu bão hòa các căn hộ trung và cao cấp. Với kế hoạch của VinCity là triển khai 300.000 căn hộ nhà giá rẻ trong 5 năm tới đang thổi luồng sinh khí tốt cho thị trường năm 2017.